Ngắm Tuổi Trẻ Quay Cuồng Trong Tĩnh Lặng
Tác giả: Lu – Mannup
Review sách:
Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng của tác giả Lu (Mann up). Những câu chuyện trong cuốn sách không phải là những lời chỉ dạy bạn phải sống như thế nào mà những trang viết như những dòng tâm tình với những người bạn cùng đọc, cùng gặp anh trên những trang sách.
Những câu chuyện được viết khi tác giả đã trải qua nhiều chuyện vui buồn, cho nên những con chữ cũng mang theo những cảm xúc khác nhau, và cũng đúc rút cho ta nhiều những bài học từ nhiều điều tuy đã cũ, đã nhàm chán nhưng lại sâu lắng và chân thực.
Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, không màu mè, bóng bẩy. Ngôn từ chuẩn xác, lột tả được đúng tâm trạng và suy nghĩ của tác giả tới người đọc để giúp người đọc cảm nhận rõ hơn quá trình trở thành con người trưởng thành đã phải trải qua những nỗi đau, tổn thương và vật lộn với cuộc sống tới nhường nào.
Đây là một cuốn sách không dành cho những kẻ đọc vội. Thật vậy, để thấm đượm ý nghĩa của quãng tuổi trẻ một đời người, làm sao có thể vội lướt qua từng trang sách, phải trầm ngâm, phải từ từ mơn man từng con chữ, ta mới có thể thấu được cái ý, cái tình mà tác giả gửi gắm trong “Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng”.
Có bao giờ bạn tự hỏi, tuổi trẻ của mình đã, đang và sẽ diễn ra như thế nào không?
Đó có phải là khi ngoan cố gào lên đòi được làm chính mình, khi là cố gắng hết sức để chứng tỏ bản thân, khi lại đầy những bi quan tiêu cực và hoang mang.
Đó có phải là khi phơi phới những ngày thức dậy lúc 8h, lao vào dòng người ra phố hồi hả đến công sở, hối hả làm những công việc thường ngày, bóp còi xe inh ỏi về nhà lúc 5h và lên đồ ra phố xá lúc đêm muộn hoặc trùm chăn chat chit.
Trong những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người, ở lưng chừng tuổi trẻ, đôi khi chúng ta không biết phải làm gì, đi thế nào, không biết điều gì sẽ đến… Những hoang mang, lo lắng và sợ hãi cứ thế tồn tại trong suy nghĩ, khó khăn thì cứ liên tục xuất hiện. Đó là sự thật đằng sau thứ gọi là thanh xuân hay tuổi trẻ, khi mà chúng ta còn thiếu sót rất nhiều, mà cuộc đời lại không dịu dàng với chúng ta.
Hơn 60 bài viết ngắn trong quyển sách hơn 200 trang được sắp xếp không theo trình tự ngày tháng, như thể để người đọc tự giải mã cho chính mình. Sách tập hợp những bài được tác giả viết trong khoảng thời gian gần 5 năm.
“Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng” sẽ là lựa chọn tuyệt vời dành cho người trải qua đủ nhiều và muốn tìm sự đồng điệu trong tâm hồn vào những năm tháng tuổi trẻ đầy bão tố.
Đoạn trích hay:
“Một trong những lời xui dại man rợ nhất lịch sử nhân loại có lẽ là “Hãy cứ là chính mình”.
Bạn cứ làm chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém?”
“Đàn ông vững vàng được như thép tốt, cũng là bởi đã chống chịu qua những khoảng thời gian khó khăn. Sự bình tĩnh của họ cũng đã từng là nỗi sợ trong đêm tối, khi một người không biết được thứ nguy hiểm nào sẽ về lấy mình, đến mức không còn đường lùi, chỉ có thể chọn nắm chặt tay, gằn lòng cho thêm dũng cảm.
Thuỷ thủ giỏi không trưởng thành từ biển lặng.
Nếu bạn là đàn ông, cũng đừng mong cuộc đời sẽ bình yên.”
“Cuộc đời vẫn là ngần ấy thất bại và ngần ấy bài học. Nếu bạn không học chúng sớm, cái giá phải trả sau này sẽ càng cao hơn.”
“Thời gian chẳng hề chữa lành mọi thứ, chỉ có mạnh mẽ dần lên để mà đối diện với bản thân mỗi ngày, mới cho người ta sức mạnh để gọn gàng xếp lại quá khứ mà bước đi.”
” Điều đáng sợ nhất ở tuổi 25 không phải là những thử thách trong công việc, hay những đổ vỡ trong tình yêu. Mà là cảm giác tưởng chừng như tuyệt vọng của những đứa trẻ tuổi 25 chưa đủ sức.”
“Phần lớn vấn đề trong đời của một người sẽ được giải quyết khi họ nhìn vào một vấn đề lớn hơn. Nỗi đau bạn đang chịu là có thật, nhưng nó không hề tồn tại mãi mãi.”
“Có cả ngàn lý do để người ta chia tay, nhưng chung quy lại, cũng vì không còn đủ yêu thương.”
“Luyến tiếc quá khứ, liệu có thực sự quay ngược được thời gian để mà làm lại? Chi bằng, coi đời người như một ván cờ. Không thể vì đã đi sai vài nước mà bất chấp dang tay gạt bỏ cả bàn cờ. Hãy cứ nhìn về phía cuối ván cờ, xem rằng mình còn có thể đổi mới được nước đi nào để chuyển bại thành thắng. Như thế có phải tốt hơn không?”