Con Đường Thoát Hạn – Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước
Tác giả: Seith M. Siegel
Giới thiệu sách:
ISRAEL ĐƯỢC BIẾT ĐẾN như một quốc gia khởi nghiệp, nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển dựa trên một nền tảng giáo dục tiến bộ với trí tuệ đặc sắc của người Do Thái. Chúng ta cũng biết rằng Israel là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến bậc nhất thế giới, mặc dù hơn 60% diện tích của họ là sa mạc và chỉ khoảng 2% là diện tích mặt nước. Vậy họ lấy nước từ đâu, họ quản lý nước thế nào để phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại và thậm chí còn cung cấp nước sạch cho các quốc gia láng giềng?
Dù ngoại cảnh có hỗn loạn đến đâu, dù thiên nhiên không ưu đãi cho họ nhiều điều kiện thuận lợi, Israel vẫn vươn lên mạnh mẽ qua biết bao hành trình khó khăn, khắc nghiệt từ những ngày đầu phục quốc cho đến khi xây dựng đời sống xã hội. Câu chuyện về “Quốc gia khởi nghiệp” Israel lại được kể tiếp trong những trang văn giản dị chứa đựng những thông điệp lớn lao trong tác phẩm “Con đường thoát hạn” – một anh hùng ca về “thung lũng Silicon” của thế giới.
Về tác giả:
Seth Mitchell Siegel sinh ngày 14 tháng 12 năm 1953, hiện ông đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Cornell.
Seth Mitchell Siegel là một doanh nhân, một luật sư, một nhà hoạt động xã hội và cũng là một tác gia, đã trả lời cho những câu hỏi đó trong cuốn sách rất hấp dẫn và đáng đọc của ông: Con đường thoát hạn – Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước.
Review sách:
“Con Đường Thoát Hạn” là một câu chuyện ngoạn mục của Israel, kể về việc làm thế nào một sa mạc lẻ loi biến thành một miền đất nở hoa, một ngôi nhà mến khách nhờ sự sáng tạo, đổi mới và công nghệ mang tính cách mạng.
Bằng những nghiên cứu chi tiết và với hàng trăm cuộc phỏng vấn, Siegel mô tả cách mà Israel đã nỗ lực vượt qua các cuộc khủng hoảng nước của riêng mình, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nguồn nước.
Với 12 chương sách được bố cục một cách khoa học, người đọc sẽ có cảm giác như đang được đọc một cuốn sách thể loại lịch sử hơn là một cuốn sách về kỹ thuật, mặc dù trong cuốn sách này, kỹ thuật cũng được đề cập như là một trong những yếu tố then chốt giúp Israel thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước.
Có những kỹ thuật tưởng chừng như không tưởng vào những năm 1960-1970 của thế kỷ trước được áp dụng hiệu quả như tưới nhỏ giọt, tưới dưỡng chất, khử mặn, và tái sử dụng nước thải. Bạn cũng có thể bất ngờ với việc người Israel bảo tồn nguồn nước mà chẳng tốn nhiều tiền bạc bằng cách tăng giá nước để giảm nhu cầu. Thậm chí có những thời điểm họ thiếu cả nước thải để tái sử dụng vì người dân dùng nước quá tiết kiệm.
Không giống như Việt Nam, Israel không sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào và hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú – mà ngược lại, có tới 60% diện tích là hoang mạc, lại bị bao vây ba bề bốn bên bởi những quốc gia thù địch. Thế nhưng, người Israel đã tìm ra cách tự “sản xuất” ra nước thông qua những biện pháp sáng tạo và liều lĩnh như Nước sạch được khử mặn từ nước biển, là nước lợ đã qua một hệ thống lọc phức tạp, thậm chí là nước thải sinh hoạt (nước cống) được xử lý tinh vi để có thể dùng tưới tiêu cho nông nghiệp hay cho những mục đích sinh hoạt thông thường khác… Cuối cùng Israel vẫn vươn lên mạnh mẽ qua biết bao hành trình khó khăn, khắc nghiệt từ những ngày đầu phục quốc cho đến khi xây dựng đời sống xã hội.
Cuốn sách là lời giải đáp cho câu hỏi: Làm thế nào Israel chặn được cuộc khủng hoảng tài nguyên nước, tự sản xuất nguồn nước dồi dào? Việt Nam có thể học hỏi gì? Cuốn sách hé lộ phương thức và kỹ thuật của những nhà phát minh đưa Israel bứt lên vị trí đứng đầu thế giới trong công nghệ nước tối tân nhất. Xuyên suốt cuốn sách là thông điệp nằm sâu trong tư duy của người Israel.
“Nước không phải thứ miễn phí mà là nguồn tài nguyên thiêng liêng. Trẻ em nơi đây từ nhỏ đã được dạy về giá trị của việc tiết kiệm nước”.