Bài Giảng Cuối Cùng
Tác giả: Randy Pausch, Jeffrey Zaslow
Review sách:
‘BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG’ của Giáo sư Randy Pausch.
Cuốn sách kể về câu chuyện của giáo sư Randy trong thời gian đấu tranh với các khối u ở gan. Ông đã sử dụng thời gian hữu hạn của mình để sống giá trị, và ông đã viết lại những bài học từ cuộc đời mình để lưu lại cho người đọc và các con nhỏ của mình.
Ông sống một cuộc đời rất đơn giản như bố mẹ ông, những người luôn dành phần lớn thời gian và tiền bạc để làm việc thiện nguyện và tập trung phát triển những tính cách tích cực, tốt đẹp của bản thân. Quần áo chỉ nên mua mới khi đồ cũ đã hư hỏng. Cuộc sống không nên than vãn quá nhiều, nếu bạn lấy một phần mười năng lượng cho việc than vãn để dùng vào việc giải quyết vấn đề thì bạn sẽ ngạc nhiên thấy công việc trôi chảy thế nào.
Bài giảng cuối cùng là một dự án của trường Đại học Carnegie Mellon, dành cho những giáo sư, tiến sĩ trước khi về hưu hoặc chấm dứt sự nghiệp giảng dạy của mình. Và đây không phải là buổi giảng trong một lớp học 30-40 sinh viên mà là dành cho hàng trăm người tham dự. Vì lý do sức khoẻ, Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện Bài giảng cuối cùng vào ngày 18/9/2007 khi ông 47 tuổi.
Vài tháng sau buổi giảng đáng nhớ đó (cuối tháng 7-2008), Giáo sư Randy Pausch đã vĩnh viễn rời xa thế giới này. Trước khi qua đời, ông đã làm việc cật lực cùng Jeffrey Zaslow để tổng hợp những bài học kinh nghiệm từ cuộc sống của bản thân nhằm truyền lại cho thế hệ sau. Cuốn sách đã được hoàn thành gấp gáp trong thời gian kỷ lục bởi lý do mà ai cũng hiểu. Bài giảng cuối cùng thậm chí còn được xem là tác phẩm mà sinh viên năm thứ nhất nào ở Mỹ cũng cần phải đọc.
Đây không phải cuốn sách viết về cái chết, mà là cuốn sách mô tả lại sự sống. Các quan điểm về tình yêu, tình bạn, công việc, ước mơ, con cái và gia đình lần lượt đan xen kế tiếp nhau trong các chương nhỏ. Đặc biệt là những thông điệp rất ý nghĩa súc tích được giáo sư trình bày ra trước mắt chúng ta.
Ông dạy chúng ta cách chấp nhận hai mặt của tính cách một người. Ông kể rằng khi vợ chạy xe đâm vào chiếc khác, chiếc xe bị hư hỏng nặng, nhưng vẫn chạy tốt, người vợ sợ chồng sẽ bực tức nên khá lo âu. Nhưng ông cho rằng không cần thiết, xe chỉ là vật dụng, không phải biểu trưng địa vị xã hội, vì vậy không cần mang đi sửa chửa để lấy lại vẻ thẩm mỹ hào nhoáng. Nên ông quyết định vẫn dùng xe với các vết sứt và những chỗ móp méo. Điều này khiến vợ ông sửng sốt. Ông đã giải thích thế nào: “Em không thể chỉ chấp nhận có mỗi một nửa vấn đề. Em đã công nhận phần con người anh là đã không tỏ ra bực bội khi nhìn thấy cả hai chiếc xe không còn được nguyên vẹn như trước nhưng lại không muốn chấp nhận phần còn lại ở anh khi cho rằng không cần phải sửa những thứ vẫn còn dùng được.”. KHÔNG PHẢI CÁI GÌ SỨT SẸO CŨNG ĐỀU CẦN SỬA CHỮA.
Ông nói về những kế hoạch bản thân. Việc quản lý việc quản lý thời gian nên rõ ràng. Bạn luôn có thể thay đổi kế hoạch, nhưng chỉ khi bạn đã có một kế hoạch cụ thể.
Mỗi người nên học cách lắng nghe. Ông thừa nhận ông ‘chỉ là một kẻ xuẩn ngốc được thức tỉnh’. Khi còn là sinh viên ông cũng bị phủ nhận về tài năng, nhờ sự quan tâm của giáo sư của ông đã giúp ông nhận ra vấn đề của ông, và ai cũng có thể trở thành một ‘kẻ xuẩn ngốc thức tỉnh’ nếu biết lắng nghe người khác.
Trong cuộc đời mỗi người không tránh khỏi sự thất bại. Nhưng bạn nên chấp nhận thất bại, vì nó là phần thiết yếu của cuộc sống. Kinh nghiệm là thứ bạn thu được khi bạn không đạt được điều mà bạn mong muốn. Và kinh nghiệm thường là thứ giá trị nhất mà bạn có thể chia sẻ. Đối với mỗi người, sự chân thành bền lâu tốt hơn sự tỏ ra ‘hợp thời’, và chúng ta không cần bận tâm đến những gì người khác nghĩ.
Mỗi người nên tự mua “bảo hiểm cảm xúc” cho bản thân, nghĩa là ta nên dành dụm và tích lũy tình cảm với bản thân và những người xung quanh. Chi phí cho bảo hiểm xúc cảm là thời gian chứ không phải tiền bạc. Nếu mình trả chi phí cho bảo hiểm cảm xúc ngay thời điểm hiện tại, khi mà ta còn thấy khỏe mạnh, thì thời gian tương lai ta sẽ nhận lại những phần tình cảm gồm cả vốn và lãi tích lũy. Mấy ai nghĩ đến điều này nhỉ?
Cuốn sách còn để lại những lời khuyên hữu ích cho những ai làm cha mẹ.
Ông khuyên các cha mẹ rằng, khi cho con tham gia một môn học ngoại khóa, đừng chăm chăm vào việc bắt con đạt được những thành tích như mình mong muốn, mà hãy để ý đến giá trị tinh thần mà môn học đó mang lại, chẳng hạn một môn thể thao, nó có thể mang lại tinh thần đồng đội, đức kiên trì, tinh thần thể thao, giá trị của sự nỗ lực và khả năng ứng xử trước nghịch cảnh.
Ông là một ông cậu-bá-đạo, hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc người lớn. Ông kể rằng khi các cháu của ông mới bước lên chiếc xe mui trần mới cáu của ông, chị của ông đã răn đe bọn nhỏ rằng ‘Nhớ đừng táy máy và làm bẩn xe nhé’. Ông nghĩ rằng đây là kiểu răn đe chỉ làm trẻ thất bại. Ông đã chậm rãi mở một lon nước ngọt, dốc ngược xuống chếc ghế bọc đệm vải phía sau ghế để nói cho các cháu biết rằng: Con người quan trọng hơn đồ vật, một chiếc xe quý giá mới cáu cạnh, cũng chỉ là một món đồ.
Những câu chuyện nhỏ được ông kể rất chân thành và giản dị, như việc ông nằm trên giường bệnh và cố gắng sống lại quá khứ của mình. Những lời khuyên khiến mình ngoài cảm giác biết ơn, còn thêm cảm giác xót xa khi biết rằng đó là những bài giảng cuối cùng của ông…
Theo: Mandy Pei