Home / Review sách / Review sách Bố Con Cá Gai

Review sách Bố Con Cá Gai

Bố Con Cá Gai
Tác giả: Cho Chang – In

Giới thiệu sách:
Có những câu chuyện mãi được yêu thương, và nằm trong trái tim bạn đọc suốt năm này qua năm khác… Bố con cá gai là một câu chuyện như thế, trong trái tim độc giả Hàn Quốc, suốt nhiều năm nay. Ở đó có một em nhỏ đã chiến đấu với bệnh hiểm nghèo từ lúc lên ba, giờ em gần mười tuổi.

Hãy khoan, đừng vội buồn! Vì em bé này sẽ chẳng làm bạn phải buồn nhiều. Em chịu tiêm rất giỏi, em không khóc, ngoài những lúc mệt quá ngủ thiếp đi, em còn bận đỏ bừng mặt nghĩ tới bạn Eun Mi kẹp-tóc-hoa, bận xếp hình tàu cướp biển, bận lật giở cuốn truyện Bảy viên ngọc rồng…

Nhưng bố em thì khác, một ông bố làm em nhỏ của chúng ta phiền lòng quá nhiều, cũng làm những ai dõi theo “bố con cá gai” phải buồn không ít, có khi buồn quá hóa giận! Ông bố ấy đích thị là bố cá gai – một cá bố rất kỳ lạ – cả nguồn sống chỉ co cụm quẩn quanh cá gai con tí xíu. Như một ông bố ngốc!

Ra đời năm 2000, câu chuyện cảm động về ông bố cá gai và cậu bé con mà người bố ấy nâng niu trong Bố con cá gai có sức lay động mạnh mẽ, trở thành một trong những câu chuyện về tình cha được người Hàn Quốc yêu thích nhất.

Review sách:
“Bố con cá gai” có lẽ chính là câu chuyện về tình cha con cảm động nhất mà tôi từng đọc. Câu chuyện bi thương đến mức tôi phải trăn trở nhiều ngày liền về nghiệt ngã mà cuộc đời bắt một đứa bé phải gánh chịu.

Không phải nghiễm nhiên mà cuốn sách này lại trở thành một trong những câu chuyện được yêu thích nhất tại Hàn Quốc. Jeong Ho Yeon – một nhà thơ trẻ đầy triển vọng nhưng vì kinh tế gia đình, anh ta phải từ bỏ niềm đam mê đối với những câu thơ bay bổng để tìm một công việc có thu nhập ổn định hàng tháng. Những tưởng sự hy sinh nghề nghiệp ấy có thể mang lại hạnh phúc gia đình vĩnh viễn nhưng cuộc đời luôn tạo ra những tình huống đau khổ, người vợ tàn nhẫn ấy đã bỏ lại anh cùng đứa con trai bé bỏng để theo đuổi những đam mê của riêng mình. Ai cũng bảo đàn ông rất nhẫn tâm nhưng đôi lúc đàn bà còn nhẫn tâm với gia đình hơn cả đàn ông ấy chứ.

Giông tố cuộc đời chưa dừng lại, sau sự ra đi không trở lại của người vợ lạnh lùng ấy, Jeong Ho Yeon lại phải đón nhận một sự thật còn kinh khủng hơn: Đứa con trai yêu dấu của anh vướng phải căn bệnh ung thư máu cực kỳ nguy hiểm. Gia đình ấy tưởng như đã đến ngay bờ vực, có thể tan vỡ bất cứ lúc nào bởi nỗi đau chồng chất ấy.

Nếu ở khía cạnh của đứa con trai, cậu nhóc mới chỉ 10 tuổi mà đã phải chịu cảnh thiếu thốn tình yêu thương trời biển của mẹ thì giờ lại phải gánh thêm nỗi đau thể xác vô cùng lớn của căn bệnh quái ác. Dưới khía cạnh của Jeong Ho Yeon, anh phải gánh chịu hai nỗi đau về tinh thần quá mãnh liệt, rất có thể sẽ khiến anh ngã quỵ bất cứ lúc nào. Tất cả những gì người cha ấy có thể làm là dành hết tình thương còn lại cho đứa con, cầu mong những gì may mắn nhất sẽ đến với đứa nhỏ bất hạnh ấy.

May mắn thay, sau nhiều năm ròng rã chiến đấu cùng căn bệnh tưởng như là không thể chữa khỏi, hai cha con ấy vẫn chiến thắng vận mệnh bi ai. Sự sống của đứa trẻ ấy như minh chứng cho tình cha có thể trở thành nghị lực giúp con trai vượt qua tất cả. Nhưng đau lòng thay, số phận vẫn không cho họ được hạnh phúc trọn vẹn, khi đứa con được cứu sống thì người cha lại phải ra đi vĩnh viễn bởi căn bệnh ung thư gan. Cuộc đời của người cha được tác giả ví von như một chú cá gai bố luôn sẵn sàng hy sinh để chăm sóc tận tình cho cá gai con. Đến khi nào cá gai con trưởng thành thì cá gai bố mới được xem như là đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả của một người cha.

Mọi công sức của anh đã được đền đáp, sau bao nhiêu năm chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, sự nỗ lực và cả việc chiến thắng sự đau đớn của 2 cha con cuối cùng đứa trẻ may mắn được cứu sống. Và đây cũng là lúc người cha nhắm mắt, từ giã cõi đời bởi căn bệnh ung thư gan.

Đọc đến những trang sách cuối cùng, mắt tôi tự động rơi xuống vài giọt, tôi không biết mình khóc đến khi tôi cảm nhận được vị mặn ở đầu lưỡi. Tôi thực sự quá thương cảm cho cuộc đời của hai cha con ấy. Những mất mát trong ngần ấy năm mà họ phải chịu, chỉ nghĩ đến thôi mà tôi cũng cảm thấy rung mình và khâm phục cho nghị lực của họ. Có lẽ, hình ảnh của người cha đầy tình thương và đứa con kiên cường trong “Bố con cá gai” sẽ mãi nằm trong tâm trí tôi như một bằng chứng cho tình cha con vĩ đại ở thế gian này.

Đoạn trích hay:
1. Lần nào đó bố đã bảo tôi. Rằng khóc vì đau thì chẳng có gì sai cả. Đó không phải là việc gì đáng xấu hổ. Nhưng mà khóc vì buồn thì thật không đáng mặt nam nhi chút nào. Thì giờ tôi rất muốn nói với bố. Rằng nỗi buồn trong lòng còn khó chịu hơn rất nhiều so với nỗi đau trên cơ thể, vì thế nên thật khó có thể kìm được nước mắt. Giá mà bố hiểu được điều ấy.

2. “… Anh sẽ chỉ sống như cái cây.
Giống như cái cây tự đâm rễ, tự vươn cành, tự mọc lá rồi trổ thành tán lá, giống như cái cây mà dù cho không có ai chăm sóc cũng chẳng khóc hu hu, dù không ai biết đến mình thì cũng chẳng la hét hay thể hiện, cứ âm thầm tự nhủ trong lòng, hãy chỉ sống như thế mà thôi.”

3. Bố lúc nào cũng sẽ cùng con bước trên đường đời. Khi con mệt mỏi, khi con sắp gục ngã, khi con chán nản muốn dừng bước trên con đường con đã chọn, khi con muốn quay đầu lại thì hãy nhớ, bố luôn đồng hành cùng con. Mãi mãi…

4. “Cá gai là một loài cá rất kỳ lạ.
Cá gai mẹ sau khi để trứng thì bỏ đi đâu mất. Cứ như thể những quả trứng có ra sao cũng không liên quan gì đến nó vậy. Rốt cuộc chỉ còn lại cá gai bố chăm sóc lứa trứng. Cá gai bố sẽ liều mình chiến đấu với các loài cá khác nếu chúng định ăn mất trứng. Cá gai bố không ăn không ngủ mà chỉ chăm chăm bảo vệ trứng. Rồi trứng vỡ ra, đám cá con lớn nhanh như thổi. Và cuối cùng đám cá gai con lại bỏ rơi cá gai bố, cứ thế theo con đường riêng của chúng. Sau khi cá gai con bỏ đi hết, còn lại một mình, cá gai bố liền đâm đầu vào giữa khe đá mà chết”

5. Ông bố ấy đích thị là bố cá gai – một cá bố rất kỳ lạ – cả nguồn sống chỉ co cụm quẩn quanh cá gai con tí xíu. Như một ông bố ngốc!