Home / Review sách / Review sách Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi

Review sách Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi

Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi
Tác giả: Cal Newport

Về tác giả: 
Cal Newport, phó giáo sư ngành khoa học máy tính ở Đại học Georgetown.

Review sách:
“Làm ra làm chơi ra chơi” là cuốn sách được dịch lại từ bản gốc có tên “Deep work: Rules for focused success in a distracted world” của Cal Newport. Điều thú vị từ tác giả này đó chính là ông là một nhà Khoa học Máy tính. Khác với những cuốn sách về kỹ năng chúng ta thấy hiện nay đa phần đến từ các nhà tư vấn hoặc các chuyên gia phát triển phát triển bản thân, Cal Newport đứng trên cương vị một nhà Khoa học Máy tính đã mang đến cho cuốn sách một lối tư duy rạch ròi đầy thuyết phục. Đồng thời, nó cũng chính là điểm hấp dẫn chính của “Làm ra làm chơi ra chơi”.

Thông điệp của “Deep work” cũng nhất quán, thẳng thắn như cái tên của nó vậy. Trong thế giới đầy sự phân tâm như bây giờ, ai có khả năng làm việc sâu sẽ thăng tiến trong sự nghiệp.

“Deep work” được chia ra hai phần chính là “Ý tưởng” và “Các quy tắc”. Đầu tiên, “Ý tưởng” sẽ thuyết phục bạn tin vào sự quan trọng của làm việc sâu. Sau đó, “Các quy tắc” sẽ là bộ khung cho bạn rèn luyện khả năng đó và áp dụng chúng vào đời sống của mình. Những quan niệm nổi bật trong từng mục của “Deep work”.

Phần 1: Ý tưởng
Nếu bạn cũng từng như tôi, không thể tập trung khi làm việc hoặc việc mình làm thì nhiều nhưng kết quả lại chẳng được bao nhiêu. Đó hoàn toàn không phải lỗi do bạn. Nếu bạn để ý kỹ, thế giới quanh ta đây tràn ngập những sự việc khiến ta dễ phân tâm: Quảng cáo trên YouTube, Spotify, các thông báo từ Facebook hay các tiếng “ting” đầy cám dỗ đến từ những cuộc trò chuyện trên Messenger.
Tất cả dường như đang muốn lôi kéo sự chú ý của bạn càng nhiều càng tốt. Thật khó mà làm việc nếu cứ 15 phút ta lại mở Facebook lên một lần chỉ vì những thông báo ấy. Newport cũng đã chú ý đến việc này và tác hại của nó.

Ông khuyên chúng ta nên hạn chế việc sử dụng mang xã hội trong đời sống thường nhật (hoặc tốt nhất là loại bỏ hoàn toàn) để có một năng suất tốt hơn trong công việc và cải thiện khả năng làm việc sâu. Thật ra, mọi người nên tránh xa các nền tảng mạng xã hội dù bất kể là ai đi nữa vì Newport cho rằng công nghệ là cội nguồn của sự phân tâm (thật chớ trêu khi nó đến từ một nhà Khoa học Máy tính). Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao bạn phải làm điều đó trong khi bạn vẫn có thể vừa lướt Facebook vừa làm báo cáo kịp thời hạn. Đây là nguyên nhân được đưa ra trong “Deep work”:

– Những lao động có tay nghề cao: Những con người có khả năng làm việc với những máy tính thông minh như lập trình viên, chuyên gia phân tích dữ liệu hay các kỹ sư AI.
– Những siêu sao: Các cá nhân thực sự vượt trội trong một lĩnh vực nào đó mà ít cá nhân nào có thể đạt tới được. Trong thế giới mà công nghệ viễn thông phát triển như hiện giờ, mang đến khả năng hợp tác và làm việc xuyên quốc gia. Những cá nhân siêu sao sẽ thắng tất cả.
– Những chủ sở hữu: Các nhà đầu tư, các doanh nhân.

Chúng ta không thể rèn luyện để có thể trở thành cá nhân loại ba. Nhưng hoàn toàn có thể với hai loại còn lại bằng cách làm việc sâu. Vậy nên dù sớm hay muộn, nếu bạn không có khả năng nâng cao tay nghề hoặc học những kiến thức mới, bạn sẽ bị bỏ lại trong thị trường lao động. Mà các khả năng này có được nhờ sự tập trung lâu dài và liên tục vào một vấn đề ta muốn học hoặc phát triển (nói cách khác là làm việc sâu), cũng là thứ mà bạn sẽ khó đạt được nếu Facebook của bạn còn đang mở. Từ đó, ta có thể thấy được việc hạn chế nền tảng mạng xã hội là một bước cần thiết để mở ra khả năng làm việc sâu. Nhờ làm việc sâu, bạn mới có thể học những kỹ năng khó một cách nhanh chóng và trở nên đắt giá trong thị trường lao động.

Phần 2: Các quy tắc
Nếu bạn đã đồng ý với Cal Newport về sự quan trọng về khả năng làm việc sâu. Mục này tổng hợp nhiều quy tắc để hình thành thói quen làm việc sâu cũng như trau dồi nó của tác giả và những cá nhân khác mà tác giả đã có cơ hội phỏng vấn. T

Quy tắc số 1: Làm việc tập trung, cụ thể là đặt quy tắc cho bản thân về thời gian “deep work”
Có vài chế độ mà mọi người có thể áp dụng:
Monastic: hoàn toàn cắt đứt với bên ngoài, xa lánh xã hội.
Bimodal: chia thành 2 phần 1 phần tập trung vào làm việc, 1 phần cho các hoạt động khác. Ví dụ: thứ 2-6 sẽ làm việc hết sức, t7-cn các hoạt động còn lại.
Rhythmic: tạo thành thói quen thường xuyên. Ví dụ: 7-9h tối hàng ngày sẽ học ngoại ngữ, tất cả các việc khác có thể dời qua thời điểm khác;
Journalistic: đẩy tất cả các khung giờ có thể vào “deep work”, ví dụ hôm nay dậy sớm, có thể đặt luôn 2h học từ mới, hoặc hôm nay xong việc về sớm, có thể đặt 2h làm việc này nọ chẳng hạn.
Quan trọng nhất là: when you work, work hard. when you’re done, be done.
(tạm dịch: khi làm việc, làm hết mình. khi công việc đã kết thúc, để nó ở đó.)

Quy tắc số 2: Quản lý sự rảnh rỗi
Khi làm việc không tránh khỏi một vài cám dỗ từ những “shallow work”, đương nhiên những công việc này cũng có ý nghĩa (ví dụ như nhắn tin có thể làm lên tinh thần học hành, trả lời email cho một cuộc hẹn quan trọng v.v…) nhưng điều quan trọng hơn là nó sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc “deep work” quan trọng hơn mà mình đang làm. Để phòng tránh điều này thì nên có lịch cụ thể cho các công việc “tưởng ngắn mà dài” như vậy.

Ví dụ như việc lên mạng, tưởng ngắn 5-10 phút nhưng có thể kéo dài tới … lúc đi ngủ, cách xử lý là đặt khoảng thời gian cố định cho việc giải trí, ví dụ 10 giờ tối sẽ trả lời tin nhắn trong 30p-1h gì đó. Lúc 7-9h đang “deep work” mà bị phân tán không biết có nên kiểm tra hộp thư hay không, thì hãy cố gắng tự nhắc bản thân là 10h là đến giờ được coi rồi, không cần vội. Mình bắt đầu áp dụng cái này, nhưng sợ lỡ các tin quan trọng nên vẫn luôn để điện thoại và sẽ nhắn người nhà và bạn bè là có gì quan trọng hay gấp thì hãy gọi điện.

Mỗi lần bạn chuyển từ công việc này sang công việc khác, tâm trí vẫn sẽ phần nào còn lưu luyến ở công việc cũ (Cal Newport gọi nó là attention residue – thặng dư chú ý), nên bạn chuyển qua lại giữa các công việc khác nhau càng nhiều, thì sức tập trung càng suy giảm. Do vậy, trước khi làm việc nên tập trung các tài liệu cần thiết, đặt câu hỏi và mục tiêu rõ ràng, cố gắng không phân tán trong thời gian đủ dài để đạt được sự tập trung cao độ nhất.

Quy tắc số 3: Kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội
Chuyện này thì do tính chất công việc, tính cách cá nhân nên không có lựa chọn đúng cho tất cả mọi người, tuy nhiên có một điều rất hay mà Cal Newport nhắc tới, là đừng coi mạng xã hội là cách duy nhất để giải trí. Đương nhiên khi buồn chán, suy nghĩ việc khó không được thông suốt, thì việc truy cập các mạng xã hội và lướt qua các thông tin là điều vô cùng đơn giản, và có thể mang lại sự thú vị ngay tức thì.

Tuy nhiên, việc gì lặp lại một cách quá mức cũng không phải là điều tốt, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến mục tiêu chính trong cuộc sống. Thật sự, mạng xã hội tốn thời gian hơn bạn tưởng rất nhiều, và việc xem xét lại ý nghĩa của việc tiêu tốn thời gian vào mạng xã hội là một điều thực sự nên làm.

Quy tắc số 4: Xử lý các “shallow work”
“Deep work” đòi hỏi thời gian và công sức rất nhiều, nên không phải lúc nào chúng ta cũng nên bật trạng thái này. Thêm vào đó, “shallow work” cũng là một phần rất quan trọng, có những việc có thể xử lý mà không cần suy nghĩ quá nhiều, đối với những việc đó thì nên đặt khoảng thời gian riêng để xử lý, ví dụ buổi tối khoảng 10-11h sẽ làm các công việc như: trả lời tin nhắn, chuẩn bị đồ đạc hôm sau, dọn phòng, v.v…

Ở phần này có một mẹo rất hay cho việc trả lời email mà cũng có thể áp dụng với việc trả lời tin nhắn (công việc). Đó là hãy bắt người đối diện phải tìm hiểu nhiều hơn, tốn thời gian hơn khi trả lời cho bạn, bằng cách đặt câu hỏi cụ thể và đòi hỏi thông tin có chiều sâu. Ngược lại, bạn cũng nên dành nhiều thời gian hơn để cung cấp thông tin đầy đủ cho mỗi email của mình, tránh email qua lại nhiều lần lãng phí thời gian.

Chúng ta nên có thời gian tập trung “deep work” cho mục tiêu chính 4-6h 1 ngày, và các việc làm phụ khác cũng phải được đặt khung thời gian riêng.

Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi cuốn sách nói đến cả về phương pháp lập luận lẫn cách bố trí nội dung vừa thực tế bằng những câu chuyện đã xảy ra ngoài đời hoặc những trường hợp cụ thể mà tác giả gặp phải, vừa khoa học thông qua các kết quả nghiên cứu được thực hiện.