Home / Review sách / Review sách Ikigai – Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật

Review sách Ikigai – Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật

Ikigai – Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật
Tác giả: Ken Mogi

Cuốn sách “Ikigai – Bí mật sống trường thọ và hạnh phúc của người Nhật” bắt đầu bằng hành trình tìm hiểu hòn đảo Okinawa, Nhật Bản, nơi là một trong các “vùng xanh” trên thế giới mà các cư dân ở đặc biệt sống lâu và hạnh phúc. Để rồi khi tìm hiểu các bí quyết như chế độ dinh dưỡng phù hợp, chế độ vận động hay nền văn hóa cộng đồng, tác giả khám phá được nguyên tắc cốt lõi – IKIGAI.

Review sách:
“Ikigai là một từ trong tiếng Nhật mô tả niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống. Ikigai bao gồm hai phần “iki” (sống) và “gai” (lý do).”

Mở đầu tháng 12 với văn hoá Nhật Bản, nơi mà xét về mọi lĩnh vực sẽ thấy mọi thứ đều tràn ngập trong “chánh niệm” – một khái niệm rất quen thuộc trong thiền định Phật giáo ngày nay, thể hiện tinh thần “Sống trọn mọi khoảnh khắc hiện tại” của Ikigai.

Ikigai là một phong cách sống đặc trưng được tìm thấy và đúc kết từ những người Nhật Bản có cuộc sống Hạnh Phúc.

Bao gồm 5 trụ cột chính:

Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
Giải phóng cái tôi cá nhân
Sự hài hòa và tính bền vững
Niềm vui từ những điều nhỏ bé
Sống trọn mọi khoảnh khắc hiện tại.
5 trụ cột của Ikigai được thể hiện rõ nhất qua truyền thống trà đạo của Nhật Bản.

1. Trong một buổi thưởng trà, trà sư cần phải cẩn thận chuẩn bị các đồ trang trí trong phòng thưởng trà hết sức chú tâm đến từng chi tiết, như loài hoa được trang trí trên tường (bắt đầu từ những việc nhỏ nhất).

2. Tinh thần khiêm nhường là dấu ấn của trà sư và các vị khách, dẫu rằng họ đã có nhiều năm tham dự tiệc trà (giải phóng cái tôi cá nhân).

3. Nhiều đồ dùng được sử dụng trong một buổi thưởng trà đã có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi phải được lựa chọn sao cho chúng hòa quyện với nhau để tạo nên ấn tượng khó quên (sự hài hòa và tính bền vững).

4. Bất chấp sự tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị, mục tiêu tối hậu của một buổi thưởng trà là được thư giãn để cảm thấy hạnh phúc từ các chi tiết nhỏ nhặt bên trong phòng trà (niềm vui từ những điều nhỏ bé).

5. Mọi điều ở trên đều nhằm đạt đến một trạng thái chánh niệm nhờ bầu không khí thanh tịnh bên trong trà thất (sống trọn mỗi khoảnh khắc hiện tại).

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đặt nhầm chỗ mức ưu tiên và mức quan trọng của công việc. Chúng ta quá thường xuyên làm việc để đạt được phần thưởng nào đó, nếu không đạt được nó chúng ta cảm thấy thất vọng mất đi hứng thú và không còn nhiệt tình. Thời xưa, các nghệ sĩ không tạo ra các sản phẩm gốm để khẳng định tên tuổi, họ làm công việc của mình và không trông chờ gì ngoài việc những thứ đồ ấy sẽ trở nên hữu dụng với những người dùng chúng, những chuyên gia về gốm sứ nói rằng, các đồ gốm sứ cổ còn lưu giữ đến nay toát ra sự thuần khiết và chân thật mà gốm sứ ngày nay không hề có.

Trong một thế giới bị ám ảnh bởi việc tự chụp ảnh khoe mẽ, tự lực và tự quản bá, khát khao tiền tài, danh vọng và địa vị như hiện thời, ai cũng náo nức tranh đua thì việc bất cứ ai có cơ hội tiệm cận được phong cách sống ikigai quả thật là màu nhiệm!

Mọi thứ trải qua đều tồn tại một cách thoáng chốc và hữu hạn, hãy trân trọng mọi khoảnh khắc vì nó chỉ xuất hiện 1 lần trong đời. Nếu có thể khiến cho nỗ lực lao động trở thành nguồn hạnh phúc của mình, khi ấy bạn đã vượt qua thách thức quan trọng bậc nhất trong đời!

Vì vậy, hãy chơi nhạc ngay cả khi không có ai nghe. Hãy vẽ một bức tranh dù không có ai xem. Hãy viết một truyện ngắn mà sẽ chẳng ai đọc. Những niềm vui và sự hài lòng nội tại sẽ chính là động lực tiếp tục công việc. Nếu bạn có thể làm thế, khi ấy bạn đã giúp bản thân trở thành bậc thầy trong việc sống trọn vẹn mọi khoảnh khắc hiện tại.

Một quyển sách ngắn, cô đọng và có thể hướng dẫn bạn để đi tìm kigai thông qua những câu chuyện thực tế, đời thường nhất. Hy vọng vài dòng chia sẻ có thể thúc đẩy bạn để tìm đọc quyển sách này.

Theo: Thảo Như Trần

Xem thêm:
Triết lý Ikigai của người Nhật cho cuộc sống hạnh phúc dài lâu
Những câu trích dẫn hay sách “Mình Phải Sống Như Biển Rộng Sông Dài”